Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) phát biểu tại hội trường.

Cho rằng tổng mức đầu tư quá lớn so với thực lực ngân sách, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cũng nêu nhiều con số cần cân nhắc trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Tham gia ý kiến trong phiên thảo luận sáng 19/6 của Quốc hội, bà Mai nói, Chính phủ đề xuất tổng nguồn lực cho cả giai đoạn là 256.250 tỷ đồng, là con số rất lớn so với thực lực ngân sách, lớn hơn gấp 14 lần so với số thực hiện trong giai đoạn 2011-2020.

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, ngân sách cũng nêu rõ, về căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn là chưa đầy đủ.

“Hiện nay, chúng ta chưa có kế hoạch đầu tư công trung hạn, chưa có kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, chưa có tổng mức đầu tư cho cả giai đoạn thì việc đề xuất một con số như trên là chưa phù hợp với Luật Đầu tư công. Tờ trình có nêu dựa vào báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước. Tuy nhiên, tại Báo cáo số 2016, Hội đồng thẩm định nhà nước đã khẳng định là "chưa đủ cơ sở để thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho chương trình trong giai đoạn 2026-2030. Kiểm toán nhà nước cũng nêu rất rõ là "chưa rõ cơ sở, chưa rõ khả năng cân đối nguồn vốn khi đề xuất nguồn lực quá lớn", bà Mai phát biểu.

Về huy động nguồn cho ngân sách trung ương, bà Mai dẫn báo cáo của Chính phủ cho biết dự kiến sẽ huy động từ nguồn tăng thu ngân sách năm 2022. Tuy nhiên, theo bà Mai thì điều này không khả thi, vì đây là nguồn đã được phân bổ hết từ năm 2023. Báo cáo của Chính phủ có nêu sẽ lấy từ số thu xổ số kiến thiết và từ tiền chuyển quyền sử dụng đất. Nhưng điều này trái với Luật Ngân sách nhà nước, vì đây là số thu để lại cho ngân sách địa phương 100%.

“Vì vậy, tôi cho rằng cần rà soát thận trọng, thu hẹp mục tiêu và trên cơ sở đầy đủ căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn thì đưa ra một con số phù hợp, đảm bảo hài hòa và công bằng với các mục tiêu bức thiết khác”, vị đại biểu Hà Nội nêu quan điểm.

Sau khi rà soát, bà Mai cho rằng cần thu hẹp mục tiêu, vì quá dàn trải, nhiều mục tiêu cần cân nhắc tính khả thi. Ví dụ như quy định 100% các lĩnh vực có bộ quy tắc ứng xử; 100% các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp cần ban hành quy chế, nội quy giao tiếp.

“Việc ban hành quy chế trong nhiều trường hợp là cần thiết. Tuy nhiên, Hiến pháp cũng quy định rất rõ người dân được làm những gì pháp luật không cấm. Vì vậy, rất cần cân nhắc để có mức độ hợp lý, tránh lạm dụng”, bà Mai phát biểu.

Chỉ tiêu tiếp theo được Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách đề cập là hằng năm 100% các tỉnh, thành phố phải có 2 công trình điêu khắc, 3 công trình mỹ thuật. “Như vậy, 10 năm mỗi tỉnh sẽ có 20 công trình điêu khắc, 30 công trình nghệ thuật. Chúng ta có 63 tỉnh, thành, chúng ta sẽ có 1.260 công trình điêu khắc, 1.980 công trình nghệ thuật, liệu có nhất thiết phải như vậy không, trong khi còn rất nhiều mục tiêu khác cần ưu tiên. Quy định 100% thành phố trực thuộc Trung ương phải xây dựng tối thiểu 1 công trình văn hóa cấp châu lục, quốc tế. Nếu như thế này thì cả đất nước sẽ là một công trình và kinh phí rất lớn”, bà Mai lo ngại.

Phát biểu giải trình, về nguồn lực, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng nói “tiền nhiều hay ít không quan trọng bằng cách cho”.

Ông Hùng cho biết, khi xây dựng chương trình cũng phải dựa trên số liệu của Bộ Tài chính, tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tính toán trong lộ trình các nguồn thu, bội thu ngân sách của Nhà nước trong những năm gần đây, tính toán về tổng nguồn để dự kiến có thể phù hợp và tương thích với các chương trình khác.

“Chúng tôi nghĩ vấn đề không quá lớn nếu đại biểu có một sự cảm thông, chia sẻ”, ông Hùng nói.